Chúng ta thường nghe nói về suy tĩnh mạch chi dưới do các van tĩnh mạch bị hư hỏng, nhưng ít khi biết đến suy giãn tĩnh mạch do bị chèn ép từ bên ngoài bởi một khiếm khuyết tự nhiên của cơ thể. Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu có thể gây nên tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới mức độ nặng, đôi khi gây nguy hiểm tính mạng, nhưng không thể chữa khỏi bằng những cách điều trị suy giãn tĩnh mạch thông thường.
Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu
Trong cơ thể người, động mạch dẫn máu từ tim đến nuôi các cơ quan, sau đó máu sẽ theo tĩnh mạch để quay trở về tim. Đa phần, động mạch và tĩnh mạch sẽ đi song song nhau, trừ một vài nơi động mạch bắt chéo với tĩnh mạch.
Tĩnh mạch chậu trái bị kẹp giữa động mạch chậu phải và cột sống
Ở phần bụng dưới, động mạch chủ bụng ở vị trí ngang rốn sẽ chia ra thành 2 nhánh để đưa máu xuống 2 chân và tương tự, tĩnh mạch 2 chân đi lên đến vị trí này cũng sẽ hợp lại thành một ngay phía trước cột sống thắt lưng. Do đó, tĩnh mạch chậu trái sẽ bị kẹp giữa động mạch chậu phải ở phía trước và cột sống ở phía sau như hình minh họa.
Như tên gọi của mình, động mạch chậu phải sẽ đập theo nhịp tim và do đó tĩnh mạch chậu trái sẽ bị tác động theo cơ chế “trên đe dưới búa”. Nếu nhịp tim trung bình là 75 lần/ phút, tính đến thời điểm 30 tuổi, tĩnh mạch chậu trái đã chịu va đập như thế đến khoảng 1 tỉ 200 triệu lần.
Hậu quả là hiển nhiên, tĩnh mạch chậu vốn mềm mại sẽ biến đổi, mô quanh tĩnh mạch và thành tĩnh mạch sẽ xơ hoá, lòng tĩnh mạch sẽ hẹp lại, có thể xuất hiện nhiều màng ngăn, mạng xơ sợi hoặc nặng hơn là tắc hoàn toàn. Dòng máu tĩnh mạch chảy về tim sẽ chậm lại hoặc bị gián đoạn, làm ứ đọng máu ở chân và gây nên các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tính.
Sự bất thường giải phẫu này do bác sĩ May và Thurner ghi nhận đầu tiên vào năm 1957 và sau đó Cockett mô tả các triệu chứng liên quan vào năm 1965 và do đó được gọi là hội chứng Cockett ở châu u hay May - Thurner ở Mỹ.
Hội chứng rất thường gặp
Hội chứng gặp phần lớn ở phái nữ (80%) và các triệu chứng thường khởi phát vào khoảng 20 - 50 tuổi.
Vào những năm giữa thế kỷ thứ 20, những nghiên cứu phẫu tích trên xác cho thấy tỉ lệ người cóbất thường này cao từ 22 - 32%. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ này tăng theo tuổi, tình trạng tạo màng ngăn, mạng xơ sợi trong lòng tĩnh mạch chậu từ 22 - 33% và tỉ lệ tĩnh mạch chậu bị chèn ép từ bên ngoài ở các mức độ khác nhau lên đến 66 - 88%.
Điều may mắn là không phải tất cả các trường hợp chèn ép tĩnh mạch chậu đều có biểu hiện triệu chứng. Các thương tổn này thường yên lặng, và một số sẽ đột ngột nặng lên khi có thêm các yếu tố bất thường khác về hồi lưu tĩnh mạch chi dưới.
Có thể vì thế, biểu hiện đầu tiên của bệnh thường xuất hiện sau phẫu thuật, sau khi mang thai, sau thời gian nằm liệt gường, hay khi phải làm việc ở tư thế đứng trong thời gian dài…
Cách phát hiện hội chứng
Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu biểu hiện như suy giãn tĩnh mạch chi dướimạn tính, hoặc hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu hoặc nặng hơn là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính.
Tĩnh mạch chậu trái sau khi được nong và đặt stent
Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính:
Các nghiên cứu cho thấy có từ 2 - 5% số người bị suy tĩnh mạch chân trái có nguồn gốc từ hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu. Ở nhóm bệnh nhân này, điều trị suy giãn tĩnh mạch theo cách thông thường sẽ không bao giờ khỏi bệnh.
Bệnh biểu hiện bằng tình trạng đau nhức chân, chủ yếu ở chân trái kèm các cảm giác khó chịu khác như: mỏi, nặng, cảm giác kiến bò, chuột rút… tăng lên khi đi đứng và giảm đi khi nằm kê chân cao hay mang vớ áp lực, kèm theo tình trạng phù chân, gân xanh đỏ nổi dưới da hoặc có thể loét ở cổ chân.
Hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu:
Do đường dẫn máu chính bị hẹp hay gián đoạn nên máu sẽ phải đi qua các nhánh tĩnh mạch nhỏ để về tim, hậu quả là các tĩnh mạch nhỏ ở vùng bụng sẽ quá tải và giãn to gây nên hội chứng đau mạn tính vùng bụng dưới kèm theo các triệu chứng kích thích đường tiểu tiện, đại tiện và sinh dục.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính:
Có hơn phân nửa số bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính chân trái có hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu, và tỉ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân trái cao hơn chân phải gấp 5 lần.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với tình trạng đau và phù ở chân trái tăng dần, đi kèm các tĩnh mạch mới nổi lên ở vùng đùi và bẹn. Đây là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong đột ngột do cục máu đông di chuyển về tim gây tắc động mạch phổi hay nhẹ hơn là tình trạng suy tĩnh mạch hậu huyết khối với phù, đau chân và lở loét về sau.
Cách chữa trị bệnh suy giãn tĩnh mạch
Trước đây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật lớn, phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn. Ngày nay, với sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Sau mổ bệnh nhân có thể đi lại vài giờ sau mổ và có thể xuất viện cùng ngày.
Giữa năm 2015, Bệnh viện ĐHYD TP.HCM lần đầu tiên đăng ký với Bộ Y tế thực hiện kỹ thuật điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu qua can thiệp nội mạch. Qua một vết đâm kim vào tĩnh mạch đùi, phần tĩnh mạch bị chèn ép sẽ được nong ra và sau đó được đặt stent vào lòng mạch. Khi dòng máu về tim không còn bị cản trở, các hậu quả do sự chèn ép gây ra sẽ không xuất hiện hoặc cải thiện đáng kể khi đã xảy ra.
Có khoảng 20 bệnh nhân đã được điều trị theo phương pháp này kể từ khi được Bộ Y tế cho phép, kết quả theo dõi đến nay cho thấy hiệu quả điều trị rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người bệnh cải thiện đáng kể và ổn định.
Việc áp dụng thanh công phương pháp nong và đặt stent điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu, mở ra một hướng mới cho việc điều trị các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch khác như hội chứng hậu huyết khối, hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên, hội chứng phù áo khoác…
Bệnh án minh họa:1. Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu gây loét chân (suy tĩnh mạch giai đoạn 6):Bệnh nhân L.T.H. sinh năm 1956 nhà ở Sóc Trăng, vào viện tháng 7/2015 vì đau và loét chân không lành.Bà kể, từ 8 năm trước, bà thường xuyên bị phù chân trái khi đứng lâu hay đi lại, khoảng 2 năm nay, bà bị phù kèm theo nổi các tĩnh mạch ngoài da, và đau chân khi đứng lâu hay đi lạị). 2 tháng trước nhập viện, xuất hiện 1 vết loét ở mắc cá trong chân trái, gây chảy dịch và đau đớn. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị suy tĩnh mạch giai đoạn cuối do hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và được điều trị sau đó bằng nong bóng và đặt stent tái thông tĩnh mạch chậu thành công.Sau mổ, tình trạng phù chân giảm rõ rệt. Khoảng 10 ngày sau vết loét lành hoàn toàn vè hết đau. Các triệu chứng suy tĩnh mạch chân khác cũng được cải thiện dần sau đó. Theo dõi đến nay đã hơn 2 năm, tình trạng suy tĩnh mạch không tái phát và các kết quả kiểm tra cho thấy tĩnh mạch chậu được tái thông vẫn hoạt động tốt, không tái hẹp.2. Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu gây phù chân và viêm mô tế bào:Bệnh nhân B.T.G. sinh năm 1955, nhà ở quận 2, TP.HCM, vào viện vì sốc nhiễm trùng với chân trái sưng to, căng bóng, đỏ da và rất đau. Trong tiền sử, bệnh nhân đã phù chân nhiều năm nay và thường xuyên vào viện vì nhiễm trùng máu có nguồn gốc từ nhiễm trùng chân trái.Các bác sĩ chẩn đoán bệnh của bà có nguồn gốc từ hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và tắc mạch huyết chân, cần phải điều trị tái thông mạch máu.Bà G. sau đó đã được nong bóng và đặt stent vào tĩnh mạch chậu, tái thông dòng máu về tim. Ngày hôm sau, chân bà đã giảm phù gần 30%, tình trạng viêm mô tế bào cũng được cải thiện rõ và sau 2 tuần điều trị chân bà đã giảm phù được gần 50% so với trước khi can thiệp.3. Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu gây bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính:Bệnh nhân N.T.M.T. sinh năm 1975 nhà ở quận 1, TP.HCM được chuyển đến BV. ĐHYD trong tình trạng chân trái phù to và đau.Chị kể, mấy ngày trước chị cảm thấy đau hông lưng trái, sau đó khi phát hiện chân sưng to chị liền đến bệnh viện quận khám và làm siêu âm. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân trái và chuyển bệnh viện chuyên khoa điều trị.Tại BV. ĐHYD TP.HCM, các chẩn đoán sâu hơn cho thấy chị M.T. bị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính chân trái do tắc tĩnh mạch chậu. Bệnh nhân sau đó đã được phẫu thuật để lấy hết huyết khối trong lòng mạch, đồng thời nong bóng và đặt stent tái thông dòng chảy của tĩnh mạch, kết hợp với thuốc kháng đông máu.6 ngày sau phẫu thuật, tình trạng sưng phù và đau chân của chị M.T. đã hết, chị có thể đi lại và xuất viện.
BS. LÊ THANH PHONG